Lễ Hội Thuyền Rồng Tại Trung Quốc

Hãy cùng tìm hiểu về một trong những ngày hội văn hóa thú vị của Trung Quốc – Lễ hội Thuyền Rồng và xem những hoạt động nào thường được tổ chức trong ngày lễ đặc biệt này.

Lễ hội Thuyền Rồng (hay Lễ hội Duanwu), là một sự kiện thường được tổ chức vào ngày thứ năm của tháng thứ năm âm lịch tại Trung Quốc. Lễ hội là dịp để tưởng nhớ một nhà thơ lớn và cũng là một viên quan của Trung Quốc tên là Khuất Nguyên (Qu Yuan), ông sống trong thời Chiến quốc (475-221 TCN) và qua đời sau khi tự gieo mình xuống sông Miluo để phản đối tình hình tham nhũng của triều đình đương thời.

Phong tục của Lễ hội Thuyền Rồng có thể chia thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất liên quan đến hoạt động tưởng nhớ thần rồng và các anh hùng như Khuất Nguyên, cùng với đó là các nghi lễ như đua thuyền rồng và ăn bánh ú.

Nhóm phong tục thứ hai xoay quanh hoạt động đón những điều tốt lành, phòng tránh bệnh tật và khuyến khích mọi người bảo vệ sức khỏe. Những hoạt động thường thấy là ngâm mình trong hỗn hợp thảo dược, treo lá thảo mộc, lá ngải đắng và uống rượu hùng hoàng.

I. Ăn Bánh Tống Tử

Bánh Tống Tử (ZongZi), là một món ăn truyền thống không thể thiếu vào dịp Lễ hội Thuyền Rồng. Món ăn này liên quan đến việc tưởng nhớ Khuất Nguyên, vì theo truyền thuyết, người dân đã ném xuống sông những viên cơm với hình dạng giống bánh Tống Tử ngày nay để ngăn cá ăn mất thi thể của ông. Trong quá khứ, các gia đình sẽ chuẩn bị những chiếc bánh gạo ngon miệng để trao đổi và tặng quà cho nhau, tuy nhiên ngày nay chỉ có một số ít người lớn tuổi trong các gia đình còn giữ gìn truyền thống này. Còn lại hầu hết người Trung Quốc sẽ mua bánh từ nhà hàng hoặc các tiệm bánh.

Bánh Tống Tử được tạo ra bằng cách nhồi gạo nếp, thịt, đậu và các loại nguyên liệu khác, gói bằng lá tre hoặc lá dong tạo thành hình tam giác hoặc hình chữ nhật, sau đó buộc lại bằng dây mềm. Hương vị của bánh Tống Tử có thể khác nhau tùy theo mỗi vùng miền ở Trung Quốc.

II. Cuộc Đua Thuyền Rồng

Đua thuyền rồng là hoạt động nổi bật nhất và không thể thiếu trong Lễ hội Thuyền Rồng. Người ta tin rằng điều này bắt nguồn từ truyền thuyết về một nhóm người đi thuyền ra biển tìm kiếm thi thể của Khuất Nguyên, một nhà thơ yêu nước của Trung Quốc thời cổ đại đã qua đời sau khi gieo mình xuống sông.

III. Treo Ngải Cứu và Cỏ Thủy Xương Bồ

Lễ hội Thuyền Rồng diễn ra ở Trung Quốc vào đầu mùa hè, đây thường là thời gian bệnh tật dễ bùng phát. Lá ngải cứu là một dược liệu có tính kháng khuẩn có tác dụng giúp phòng chống các loại bệnh mùa. Ngoài ra, mùi thơm của ngải cứu rất hiệu quả để đuổi các côn trùng gây bệnh như muỗi và ruồi. Cỏ bồ bồ (thủy xương bồ), một loại thực vật sống dưới nước, cũng có những công dụng tương tự.

Thông thường, vào ngày thứ năm của tháng năm âm lịch, mọi người thường dọn dẹp nhà cửa và sân vườn, treo lá ngải cứu và bồ bồ ở cửa để xua đuổi bệnh tật. Một số người tin rằng treo ngải cứu và bồ bồ còn có thể mang lại may mắn cho gia đình.

IV. Uống Rượu Hùng Hoàng

Người xưa tin rằng uống rượu hùng hoàng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật và tránh những điềm xấu. Rượu hùng hoàng là một loại thức uống có cồn Trung Quốc được làm từ ngũ cốc lên men và bột hùng hoàng, rượu này có màu hồng do được tạo thành từ khí Arsen và lưu huỳnh.

Vào thời cổ đại, tương truyền rằng hùng hoàng có khả năng chống lại các loại độc, tiêu diệt côn trùng và xua đuổi linh hồn tà ác. Do đó, uống rượu hùng hoàng trở thành phong tục trong Lễ hội Thuyền Rồng như một cách bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa điều xấu.

V. Đeo Túi Thơm

Trước ngày Lễ hội Thuyền Rồng, các cha mẹ thường làm túi nước hoa thơm cho con cái đeo. Họ may những túi nhỏ bằng vải lụa nhiều màu sắc, trong đó đựng hương liệu hoặc thảo dược, rồi dùng dải lụa buộc miệng túi lại.

Trong Lễ hội Thuyền Rồng, những túi thơm sẽ được đeo quanh cổ trẻ em hoặc buộc vào quần áo như một món trang sức. Người ta tin rằng những túi thơm này sẽ bảo vệ trẻ em khỏi những điều xấu và xui xẻo. 

Bạn có thể tìm hiểu thêm về những phong tục và truyền thống thú vị của Lễ hội Thuyền Rồng tại các lớp học của Ni Hao Ma nhé.